Lịch sử Tượng_Đức_Bà_Hòa_Bình

Tượng Đức Mẹ Hòa bình phía chính diện, phía sau là nhà thờ chính tòa

Nhà thờ chính tòa Sài Gòn được xây dựng hoàn tất vào năm 1880. Đến năm 1903, người Pháp cho dựng trên công viên trước nhà thờ một tượng đài, bao gồm một bệ bằng đá hoa cương đỏ, hình trụ, bên trên đặt bức tượng đồng mô tả Pigneau de Béhaine (còn gọi là Giám mục Bá Đa Lộc hoặc Giám mục Adran vì vị này làm Giám mục hiệu tòa Adran) mặc phẩm phục, tay trái dắt hoàng tử Cảnh (con vua Gia Long) để ca ngợi mối quan hệ giữa Pháp với Việt Nam. Bức tượng này làm bằng đồng, được đúc tại Pháp. Đến năm 1945, bức tượng này bị phá bỏ, nhưng cái bệ đài bằng đá hoa cương đỏ thì vẫn còn tồn tại ở đó mà không có bất cứ một bức tượng nào đặt lên trên.

Năm 1959 là năm kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức, 300 năm bổ nhiệm hai Giám mục tiên khởi tại Việt Nam (9 tháng 9 năm 1659) nên các Giám mục miền Nam Việt Nam có sáng kiến tổ chức Năm Thánh Mẫu và Đại hội Thánh Mẫu toàn quốc được tổ chức trong ba ngày cao điểm là 16,17,18 tháng 2 năm 1959 tại Sài Gòn. Nên trước đó vào năm 1958, Linh mục Giuse Phạm Văn Thiên cai quản Giáo xứ Sài Gòn thời ấy (sau này làm Giám mục giáo phận Phú Cường, giờ đã qua đời), đã đặt tạc một tượng Đức Mẹ Maria bằng loại đá cẩm thạch trắng Carrara của Ý. Khi tượng hoàn tất thì được đưa xuống tàu Oyanox vào ngày 8 tháng 1 năm 1959 từ hải cảng Gênes chở tượng qua Việt Nam và tới Sài Gòn vào ngày 15 tháng 2 năm 1959.

Buổi chiều ngày 16 tháng 2 năm 1959, Hồng y Krikor Bédros XV Agagianian, đặc sứ của Giáo hoàng Gioan XXIII từ Roma qua Sài Gòn để chủ toạ lễ bế mạc Đại hội Thánh Mẫu Toàn Quốc, ông đã làm phép bức tượng Đức Mẹ này.

Vào ngày 9 tháng 12 năm 1959, Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn được cung hiến. Buổi chiều cùng ngày, một cuộc rước kiệu Đức Mẹ trọng thể đi qua nhiều đường phố tới lễ đài phía sau Nhà thờ Đức Bà, một Thánh Lễ Đại Triều được cử hành, bế mạc Năm Thánh Mẫu tại Việt Nam.